Rác thải biển nói chung, rác thải nhựa biển nói riêng là đối tượng được quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Bài viết tóm lược về một số công nghệ thu gom rác thải trên biển đang được ứng dụng hiện nay trong một số dự án làm sạch biển.
Hệ thống Ocean Cleanup
Hệ thống Ocean Cleanup là hệ thống thu gom rác thải biển do The Ocean Cleanup (một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2013 với mục tiêu làm sạch rác thải nhựa trên biển) thiết kế.
Hình ảnh hệ thống Ocean Cleanup
Nguồn: The Ocean Cleanup
Hệ thống Ocean Cleanup bao gồm 4 thành phần:
1. Phao quây nổi: phao quay có hình chữ U, có độ dài từ 1 đến 2 km, được làm từ HDPE, một vật liệu có độ bền cao và tái chế được. Phao cho phép hệ thống trôi nổi theo dòng chảy của biển để thu gom rác
2. Màng chắn: Một màng chắn được gắn với hệ thống phao quây để có thể thu gom rác, bao gồm cả rác trên bề mặt cũng như trong cột nước. Màng chắn không ảnh hưởng đến sinh vật biển do chúng có thể theo dòng nước qua lại phía dưới màng chắn.
Hình ảnh mô phỏng khả năng thu gom rác khi cố định và sự di chuyển của hệ thống Ocean Cleanup
Nguồn: The Ocean Cleanup
3. Neo: Hệ thống neo được thiết kế để làm giảm tốc độ di chuyển của hệ thống, từ đó tăng khả năng thu gom rác. Độ sâu của neo có thể điều chỉnh để phù hợp với điều kiện dòng chảy.
4. Tàu thu gom: Rác từ hệ thống sẽ được chuyển lên tàu đưa trở về đất liền để xử lí và tái chế.
Hệ thống này được kỳ vọng sẽ thu gom 50% lượng rác trôi nổi trên Đảo rác Thái Bình Dương trong vòng 5 năm.
Hệ thống Seabin
Seabin là hệ thống thùng thu rác tự động cho các khu vực cảng, bến tàu.
Thiết kế của Seabin bao gồm 1 hệ thống thùng rác và hệ thống bơm nước đặt ngầm với khả năng bơm 25 mét khối nước trên 1 giờ. Khi nước được hút, dòng nước cùng với rác sẽ chảy qua hệ thống thùng rác và rác sẽ được giữ lại trong thùng. Ước tính 1,5 kg rác, với kích cỡ nhỏ nhất là 2 mm, có thể được thu gom trong một ngày.
Một số hình ảnh về Seabin
Nguồn: Seabinproject
Bùi Tuấn Anh